Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Nhà máy xử lý rác, thu hồi khí phát điện

Dự án "Nhà máy xử lý rác, thu hồi khí phát điện tại bãi chôn lấp Khánh Sơn, Đà Nẵng" sẽ tạo ra một lượng điện năng lớn phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và tiết kiệm năng lượng.  
Trong khuôn khổ hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu tiền khả thi của dự án được tổ chức mới đây tại TP Đà Nẵng, các đại biểu đã đánh giá cao nỗ lực và kết quả thực hiện của đơn vị tư vấn, đồng thời hy vọng dự án sẽ sớm thực hiện bước nghiên cứu tiếp theo để triển khai vào thực tế.
Bãi rác Khánh Sơn hiện tại - Ảnh: Nguồn Internet.
Trung tâm phát triển năng lượng (EDEC) là đơn vị được chọn thực hiện dự án này. Bà Sylvie Lam, Phó giám đốc EDEC cho hay, với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch và môi trường, dự án không chỉ dừng lại ở việc xử lý rác thu hồi khí phát điện, sản xuất phân compost phục vụ nhu cầu nông nghiệp, mà còn bao quát những hoạt động khác như tái sinh, tái chế lượng chất thải còn lại… Tất cả nhằm xử lý triệt để toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt của Đà Nẵng.
Theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng vừa được thông qua vào tháng 10 vừa qua, dự kiến đến năm 2030, dân số Đà Nẵng sẽ phát triển lên tới 2,5 triệu người, chưa kể lượng khách du lịch khá lớn hàng năm. Như vậy, lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom có thể lên tới 2.000 tấn một ngày, trong đó 85 - 90% khối lượng này có thể sử dụng làm nguồn cung cấp cho nhà máy xử lý của dự án.
Với việc ứng dụng công nghệ hiện đại của Aikan (Đan Mạch), dự án sẽ hạn chế tối đa lượng rác cần chôn lấp hoàn toàn, giúp kéo dài tuổi thọ của bãi rác Khánh Sơn đến năm 2070, thay vì phải đóng cửa vào năm 2020 như thiết kế ban đầu. Ngoài ra, dự án sẽ biến khu vực này thành địa điểm xây dựng những công trình năng lượng sạch như nhà máy phát điện mặt trời, hay khu du lịch sinh thái sau khi bãi rác ngừng hoạt động.
Mô hình Nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ Aikan (Đan Mạch) - Ảnh: Nguồn Internet.
Bà Sylvie Lam cho hay, công nghệ Aikan (Đan Mạch) được sử dụng trong dự án chỉ tiêu thụ trung bình 10 kWh điện để xử lý một tấn rác hữu cơ. Lượng rác hữu cơ này lại tạo ra khoảng 70-100 m3 khí sinh học (trong đó khí Mêtan chiếm tối thiểu 70%), dùng để sản xuất xấp xỉ 200 kWh điện, 1.400 MJ nhiệt và 350 kg phân compost. Như vậy, năng lượng tạo ra từ công nghệ Aikan không những phục vụ nhu cầu của nhà máy, mà còn có thể nối vào lưới điện quốc gia để cung cấp cho thành phố Đà Nẵng.
Qua kết quả nghiên cứu và đánh giá khả thi, các đại biểu tham gia hội thảo cho rằng, dự án không những góp phần tạo ra một lượng điện năng lớn phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt, mà còn giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính có tác dụng xấu đến biến đổi khí hậu. Mặt khác, dự án sẽ tiết kiệm được năng lượng, hướng tới sử dụng năng lượng sạch trong tương lai... thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với việc xây dựng một nhà máy xử lý rác theo công nghệ châu Âu phù hợp với các điều kiện rác, khí hậu, môi trường tại Việt Nam, Khánh Sơn sẽ trở thành nhà máy xử lý rác hiện đại bậc nhất cả nước.
KEYTECH
Theo Tietkiemnangluong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét