Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

10 công trình năng lượng xanh lớn nhất thế giới

Vừa có công suất lớn, vừa có ít tác động xấu nhất tới môi trường - đó là những tiêu chí cần thiết để một công trình năng lượng tái tạo có mặt trong danh sách này. Đó cũng là câu trả lời cho bạn đọc nếu không thấy có tên đập Thủy điện Tam Hiệp (Trung Quốc) hay một nhà máy năng lượng hạt nhân nào dưới đây
1. Tổ hợp Nhà máy Điện địa nhiệt Geysers - California, Mỹ
Tổ hợp nhà máy điện địa nhiệt phức tạp lớn nhất thế giới, Geysers, nằm trên dãy núi Mayacamas thuộc miền Bắc California - một trong hai nơi trên hành tinh sử dụng hơi khô. Geysers là một tổ hợp công trình bao gồm 22 nhà máy điện địa nhiệt, sử dụng hơi nước nóng từ hơn 350 giếng để các turbine phát điện với công suất lắp đặt 1.517MW. Geysers cung cấp đủ cho nhu cầu dùng điện của 1,1 triệu người.
Hiện có khoảng 12GW công suất điện địa nhiệt được lắp đặt trên toàn thế giới, tập trung chủ yếu ở Mỹ (hơn 3GW) và Philippines, Indonesia.
Một nhà máy trong tổ hợp Nhà máy Điện địa nhiệt Geysers, California, Mỹ
2. Trang trại gió Roscoe - Texas, Mỹ
Có quy mô 100 arce (khoảng 405 km2, bằng 1/5 diện tích TP Hồ Chí Minh), trải rộng trên 4 hạt của bang Texas, Roscoe là trang trại gió trên bờ lớn nhất thế giới. Với 627 turbine gió, Roscoe có tổng công suất lắp đặt trên 781MW, đủ đáp ứng nhu cầu dùng điện của 250.000 hộ gia đình.
3. Nhà máy Điện sinh khối Tilbury - Tilbury, Anh
Nhà máy phát điện sinh khối lớn nhất thế giới Tilbury, có công suất 750MW, vốn là nhà máy điện chạy bằng than, từ năm 2011 được chuyển sang chạy bằng gỗ nghiền có thể tái tạo, như là một cách làm để nước Anh góp phần chống biến đổi khí hậu.
4. Trang trại gió Walney - Cumbria, Anh
Ngày 9/2/2012 được coi là cột mốc đánh dấu trang trại gió lớn nhất thế giới ngoài khơi biển Ireland bắt đầu đi vào hoạt động sau một quá trình thi công nhanh kỷ lục. 102 turbine thuộc hai trang trại gió nối tiếp Walney trải trên diện tích 73km2 đã chính thức kết nối lưới điện quốc gia Anh. Với công suất 367,2MW, dự án khổng lồ này hứa hẹn sẽ cung cấp nguồn điện năng “xanh”, carbon thấp cho khoảng 320.000 hộ gia đình.
5. Hệ thống nhà máy điện mặt trời SEGS - California, Mỹ
Là cơ sở tạo năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, SEGS bao gồm 9 nhà máy điện năng lượng mặt trời ở sa mạc Mojave của California, với tổng công suất lắp đặt 354MW. Ngoài ra các turbine phát điện còn có thể vận hành vào ban đêm bằng khí đốt. Theo NextEra, các nhà máy điện này hằng năm có thể cung cấp điện cho 230.000 hộ gia đình và giảm 3.800 tấn khí thải gây ô nhiễm.
6. Nhà máy Điện thủy triều Sihwa - Hàn Quốc
Nhà máy Điện thủy triều Sihwa bắt đầu được đưa vào vận hành cuối tháng 8/2011. Nhà máy được xây trên một khu đất rộng 140 nghìn m2, với 10 động cơ turbine 25,4MW và 8 cửa cống đã được lắp đặt ở phần dưới của nhà máy phát điệncao 15 tầng. Đường kính của máy phát điện chạy bằng turbine lên tới 14m và chiều dài cánh quạt là 7,5m. Những máy phát điện chạy bằng turbine khổng lồ này sản xuất ra 254 nghìn kW điện một ngày và 552,7 triệu kW điện một năm, đưa sản lượng điện của Nhà máy Điện Sihwa vượt qua Nhà máy Điện La Rance của Pháp và trở thành nhà máy điện thủy triều lớn nhất thế giới với hiệu suất năng lượng 544 triệu kW/năm. Lượng điện này đủ để cung cấp cho 500 nghìn hộ gia đình.
Với dự án Sihwa, Hàn Quốc đang thực hiện giai đoạn đầu của kế hoạch biến bờ biển phía tây nước này thành vành đai nhà máy điện thủy triều lớn nhất thế giới.
7. Nhà máy Điện năng lượng mặt trời Solnova - Tây Ban Nha
Nhà máy Điện Solnova là nhà máy điện sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời tập trung (CSP) lớn nhất thế giới. Nhà máy gồm 5 trạm phát điện, mỗi trạm công suất 50MW, do Công ty Abengoa sở hữu và điều hành. Các trạm phát điện sử dụng máng parabol tập trung phản xạ tuyến tính Fresne để tập trung một khu vực rộng lớn của ánh sáng mặt trời vào một chùm nhỏ. Nhiệt tập trung sau đó được sử dụng như một nguồn năng lượng cho các nhà máy điện. Tuy nhiên, ở Solnova, một số trạm phát điện được trang bị thêm để có thể sử dụng khí đốt như một nguồn nhiên liệu thứ cấp để sản xuất điện.
8. Nhà máy Điện thủy triều Le Rance - Brittany, Pháp
Ngay từ năm 1963, nước Pháp đã phát triển nhà máy điện thủy triều đầu tiên trên thế giới ở La Rance. Nhờ kết nối thành công với hệ thống đường dây tải điện vào năm 1967, với công suất 240MW mỗi năm, nhà máy này có thể cung cấp tới 600GWh điện, đưa nước Pháp vươn lên dẫn đầu thế giới suốt nhiều thập kỷ về dạng năng lượng này, đồng thời, thu hút khoảng 200.000 khách du lịch mỗi năm. Sau gần 40 năm “tại vị”, La Rance đã nhường lại vị trí là nhà máy điện thủy triều lớn nhất thế giới cho Nhà máy Điện thủy triều Sihwa (Hàn Quốc).
9. Nhà máy Điện năng lượng mặt trời Andasol - Andalusia, Tây Ban Nha
Andasol là nhà máy điện năng lượng mặt trời máng parabol được đưa vào vận hành thương mại đầu tiên tại châu Âu. Nằm trên vùng núi Andalusia, ở độ cao trung bình 1.100m so với mực nước biển, hơn 600.000 tấm gương parabol của nhà máy có điều kiện để thu nhận ánh sáng mặt trời tốt hơn so với toàn bộ bán đảo Arập Xêút. Với diện tích lớn tương đương 210 sân bóng đá và công suất 150MW, Andasol có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng cho nửa triệu người.
Bên cạnh đó, nhờ sử dụng công nghệ lưu giữ nhiệt lượng thu được từ mặt trời bằng muối nóng chảy ở nhiệt độ trên 1.000 độ F, sau đó, số nhiệt lượng được lưu giữ này lại biến nước thành hơi nước quay turbine phát điện, Andasol có thể tiếp tục phát điện trong khoảng thời gian từ 8-10 tiếng đồng hồ sau khi mặt trời lặn.
10. Dự án điện thẩm thấu của Statkraft - Tofte, Na Uy
Dự án nhà máy điện “đặc biệt” này được xây dựng bên bờ vịnh Oslo, cách thủ đô Oslo của Na Uy khoảng 60km về phía nam và do Tập đoàn Statkraft, công ty năng lượng tái sinh lớn nhất châu Âu, quản lý.
Nguyên tắc hoạt động chủ yếu của nhà máy là lấy năng lượng thẩm thấu dựa trên hiện tượng thẩm thấu rất phổ biến trong tự nhiên thường được biết đến qua sự hấp thụ nước của cây xanh. Khi nước ngọt và nước biển tiếp xúc với nhau qua một lớp màng mỏng, được dùng để giữ lại muối, nước ngọt sẽ chảy về phía nước biển. Khi đó, dòng chảy của nước ngọt sẽ tạo áp lực lên phía dòng chảy của nước biển và chính áp lực này làm quay turbine, sản xuất ra điện năng. Với số vốn đầu tư lên tới 26,8 triệu USD, Statkraft hy vọng nhà máy điện này sẽ đạt công suất 25MW, đủ cung cấp điện năng cho khoảng 10 nghìn hộ gia đình vào năm 2015.
Theo Statkraft, tiềm năng toàn cầu của năng lượng thẩm thấu có thể đạt tới khoảng 1.600-1.700 TWh mỗi năm, tương đương với tổng lượng điện tiêu thụ của Trung Quốc.
KEYTECH
Theo Petrotimes

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Thế giới và vấn đề phát triển thủy điện

Theo Hội đồng Năng lượng Quốc tế (WEC), thủy điện đang đóng góp 20% tổng công suất điện năng trên toàn thế giới, tương đương 2.600 TWh/năm. Với các lợi thế như: không tiêu thụ nhiên liệu, không xả ra khí thải độc hại, tuổi thọ các nhà máy thuỷ điện lớn… Tuy nhiên, sau một thời gian dài phát triển, nguồn năng lượng vốn được đánh giá là sạch này đang dần bộc lộ những tác hại khôn lường cho cả môi trường tự nhiên lẫn con người.
Nguồn điện quan trọng và đầy tiềm năng của con người
Từ hơn 2.000 năm trước, người Hy Lạp cổ đại đã biết khai thác sức nước bằng việc sử dụng các bánh xe guồng nước để xay gạo. Năm 1880, nhà phát minh người Mỹ Lester A. Pelton khám phá ra nguyên lý phát điện từ sức nước trong một chuyến thăm mỏ khai thác vàng gần nhà. Những người thợ mỏ đã đặt các guồng quay bằng gỗ bên dòng suối. Nước chảy làm quay trục guồng, từ đó làm quay những chiếc cối xay đá sa khoáng chứa vàng.
Do nắm rõ nguyên lý phát điện từ những chiếc trục quay, không khó để nhà khoa học này thay chiếc guồng gỗ bằng mộtmáy phát điện. Chỉ hai năm sau, nhà máy thủy điện đầu tiên trên thế giới được H.J. Rogers xây dựng tại bang Wisconsin (Hoa Kỳ), mở ra một kỷ nguyên thủy điện cho nhân loại.
Nếu như nhiệt điện phải đốt nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ, than đá, khí đốt) gây ô nhiễm môi trường, còn điện hạt nhân luôn khiến con người vừa dùng vừa run vì lý do an toàn, thì thủy điện được coi là nguồn năng lượng sạch nhất và an toàn nhất. Lợi dụng sức mạnh của dòng nước đổ xuống từ trên cao để làm quay các tua bin, từ đó sản sinh ra điện, thủy điện không cần đến nhiên liệu hay chất phóng xạ. Do đó, những quốc gia có địa hình thuận lợi cho việc phát triển thủy điện đều tận dụng tối đa cơ hội của mình. Các nhà máy thủy điện được xây dựng khắp nơi trên thế giới, với đủ mọi loại công suất từ lớn đến nhỏ.
Theo Hội đồng Năng lượng Quốc tế (WEC), thủy điện đang đóng góp 20% tổng công suất điện năng trên toàn thế giới, tương đương 2.600 TWh/năm. Na Uy là nước mà 100% điện năng được sản xuất từ thủy điện. Những nước có thủy điện chiếm hơn 50% cũng rất nhiều, như: Icela (83%), Áo (67%). Canada hiện là nước sản xuất thủy điện lớn nhất thế giới, với tổng công suất gần 400 nghìn GWh, đáp ứng hơn 70% nhu cầu nước này. Tiềm năng của nguồn điện xanh này còn rất lớn, bởi WEC đã ước tính, trên toàn cầu, công suất thủy điện có thể đạt đến 14.400 TWh/năm.
Lợi ích lớn nhất của thuỷ điện là không tiêu thụ nhiên liệu và xả ra khí thải độc hại. Điều đó khiến chúng không hề bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá không ngừng của nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, khí thiên nhiên hay than đá. Các nhà máy thuỷ điện cũng có tuổi thọ lớn hơn các nhà máy nhiệt điện.
Một số nhà máy thuỷ điện đang hoạt động hiện nay trên thế giới đã được xây dựng từ 50 - 100 năm trước. Chi phí nhân công thấp vì các nhà máy này được tự động hoá gần như hoàn toàn, có rất ít người làm việc tại chỗ trong quá trình vận hành thông thường.
Những nhược điểm của thủy điện
Cùng với những lợi ích to lớn, qua thời gian, các mặt trái của thủy điện cũng liên tục được bộc lộ. Thật nực cười là đặc điểm được ca ngợi nhiều nhất của thủy điện cũng lại chính là nhược điểm lớn nhất của nó: Môi trường. Thủy điện không tiêu thụ nhiên liệu, không xả ra khí thải độc hại với môi trường, nhưng nó cũng tàn phá nặng nề môi trường sinh thái ở một số phương diện khác.
Do hoạt động nhờ biến thế năng của nước thành động năng, từ đó chuyển thành điện năng, nên nhà máy thủy điện thường được đặt trên phía thượng nguồn, thuộc vùng đồi núi và phải có hồ chứa nước. Những hồ chứa bao la này nhấn chìm rất nhiều diện tích rừng đầu nguồn. Đặc điểm sinh thái, cảnh quan thiên nhiên của cả khu vực bị biến đổi theo hướng xấu đi.
Môi trường sống của các loài động thực vật bị phá hủy hoặc thay đổi khiến chúng cũng dần biến mất. Yếu tố đa dạng sinh học gần như không còn. Các con đập khiến nước không còn được lưu thông một cách tự do từ thượng nguồn xuống hạ lưu, tạo nên các đoạn sông chết trước con đập. Thảm thực vật bị phân hủy trong tình trạng ngập nước dưới đáy hồ khiến sản sinh ra khí metan, một loại khí nhà kính nguy hiểm.
Nếu cá không chết bởi những loại khí độc như thế, thì chúng cũng chết khi đi qua các tua bin nước. Theo thống kê của Quỹ Hoang dã Quốc tế (WWF), 60% trong số 227 con sông lớn nhất đã bị phân đoạn nặng nề, trong đó các đập nước (gồm có đập thủy điện) được xem là có trách nhiệm lớn nhất.
Từ cách xa công trình hàng trăm kilomet, những người dân vùng hạ lưu cũng trở thành nạn nhân. Các con đập đã ngăn chặn mất của họ dòng phù sa màu mỡ và các loài thủy sản. Mặc dù có chức năng điều tiết lũ và chống hạn hán, nhưng các nhà máy thủy điện thường tích xả nước trước tiên là vì lợi nhuận và sự an toàn của chính bản thân mình.
Những vụ xả hồ chứa bất ngờ để chống quá tải đập trước một cơn lũ bất ngờ (hoặc do dự báo kém chính xác) gây lũ lụt cho toàn vùng hạ lưu, cuốn trôi nhà cửa, tài sản, hoa màu và cướp đi sinh mạng của nhiều người. Đối với người dân vùng hạ lưu, các hồ chứa hàng triệu, trăm triệu, thậm chí hàng tỷ mét khối nước trên thượng nguồn thực sự là những trái bom lơ lửng trên đầu. Ngược lại, vào những năm hạn hán, nước đầu nguồn bị tích lại trong các hồ chứa khiến vùng hạ lưu cạn khô nước sinh hoạt và sản xuất, đẩy người dân đối mặt với vô vàn khó khăn.
Danh sách tội trạng của thủy điện mỗi năm một dài thêm. Ngày 12/5/2008, một trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) khiến gần 100 nghìn người chết hoặc mất tích. Hai phần ba tỉnh thủ phủ vùng Tây Nam Trung Quốc này bị phá hủy hoàn toàn. Thảm họa này một lần nữa củng cố cho quan điểm của các nhà khoa học về việc thủy điện là nguyên nhân gây ra động đất. Tâm chấn của trận động đất Tứ Xuyên nằm khá gần 2 nhà máy thủy điện lớn của nước này là Tam Hiệp và Zipingpu. Hàng tỉ mét khối nước trong hồ chứa của các thủy điện này đã tạo áp lực cực lớn lên địa tầng khu vực, khiến đới đứt gẫy địa chất hoạt động, gây ra trận động đất kinh hoàng.
Các tranh cãi vẫn còn tiếp tục, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận rằng, cho dù không gây ra động đất, nhưng một khi động đất xảy ra, các đập thủy điện vỡ sẽ khiến toàn vùng hạ lưu biến thành biển nước trong vài giờ. Không nhiều người có cơ may sống sót trong những thảm họa như thế.
KEYTECH
Theo NLVN

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Công nghệ thông tin và truyền thông cho phép giảm 30% lượng điện tiêu thụ

Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho phép giảm 30% lượng điện tiêu thụ tại các thành phố. Đây là một dự án nghiên cứu của Trường Đại học Universidad Carlos III of Madrid (UC3M). Các kết quả đã được trình bày sau khi phân tích sự tối ưu hóa việc sử dụng điện của người dân và cơ sở hạ tầng.  
Dự án có tên ENERsip được thực hiện bởi liên minh 10 đối tác đến từ 5 quốc gia ở châu Âu do Công ty Tecnalia, Tây Ban Nha đứng đầu. Các nhà nghiên cứu đã thiết kế, phát triển và thông qua một nền tảng công nghệ thông tin cho phép người sử dụng điện tiết kiệm đến 30% lượng điện tiêu thụ, bên cạnh đó họ cũng tích hợp các ứng dụng cài đặt để sử dụng năng lượng tái tạo, chẳng hạn như các tấm quang điện năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mái nhà.
Chìa khóa để có được những kết quả này nằm ở hai chiến lược: giảm lượng điện tiêu thụ trong nhà (khoảng 15 đến 20%) và điều chỉnh mức tiêu thụ, phát điện trong các thành phố, quận, huyện (khoảng 15 đến 20%). Đầu tiên, hệ thống cung cấp cho người sử dụng các thông tin liên quan đến việc tiêu thụ điện của họ, cho phép họ xác định các thiết bị sử dụng nhiều năng lượng nhất, sau đó đề xuất các giải pháp khả thi, cố gắng thay đổi một số hành vi và hướng dẫn thực hành tốt việc sử dụng điện; điều đó cho phép người sử dụng tiết kiệm hóa đơn tiền điện hàng tháng.
Giáo sư José Ignacio Moreno của UC3M giải thích: “Bằng cách này, nền tảng ENERsip cho phép các thiết bị tiêu thụ điện được theo dõi bởi mạng lưới cảm biến và cơ cấu chấp hành để người sử dụng có thể điều khiển từ xa bằng các ứng dụng trên internet”.
Ngoài ra, hệ thống mà các nhà nghiên cứu đã thiết kế có khả năng tự động chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong phạm vi thành phố, quận, huyện; do đó làm giảm dòng năng lượng và kết quả làm giảm năng lượng tổn thất và chi phí.
Dự án này cũng nhằm mục tiêu hướng đến việc quản lý lưới điện thông minh và hiệu quả bằng cách sử dụng công nghệ thông tin, tiết kiệm lượng điện tiêu thụ lên đến 30%. Để có được những kết quả này, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên các hệ thống máy tính mô phỏng khác nhau và thí điểm trong ba tòa nhà khác nhau ở Israel.
Theo báo cáo của dự án 2020 SMART, người ta ước tính rằng các ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng có thể giúp tiết kiệm được khoảng 600 tỷ Euro trên toàn cầu trong năm 2020.
KEYTECH
Theo NLVN

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Nhà máy xử lý rác, thu hồi khí phát điện

Dự án "Nhà máy xử lý rác, thu hồi khí phát điện tại bãi chôn lấp Khánh Sơn, Đà Nẵng" sẽ tạo ra một lượng điện năng lớn phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và tiết kiệm năng lượng.  
Trong khuôn khổ hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu tiền khả thi của dự án được tổ chức mới đây tại TP Đà Nẵng, các đại biểu đã đánh giá cao nỗ lực và kết quả thực hiện của đơn vị tư vấn, đồng thời hy vọng dự án sẽ sớm thực hiện bước nghiên cứu tiếp theo để triển khai vào thực tế.
Bãi rác Khánh Sơn hiện tại - Ảnh: Nguồn Internet.
Trung tâm phát triển năng lượng (EDEC) là đơn vị được chọn thực hiện dự án này. Bà Sylvie Lam, Phó giám đốc EDEC cho hay, với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch và môi trường, dự án không chỉ dừng lại ở việc xử lý rác thu hồi khí phát điện, sản xuất phân compost phục vụ nhu cầu nông nghiệp, mà còn bao quát những hoạt động khác như tái sinh, tái chế lượng chất thải còn lại… Tất cả nhằm xử lý triệt để toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt của Đà Nẵng.
Theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng vừa được thông qua vào tháng 10 vừa qua, dự kiến đến năm 2030, dân số Đà Nẵng sẽ phát triển lên tới 2,5 triệu người, chưa kể lượng khách du lịch khá lớn hàng năm. Như vậy, lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom có thể lên tới 2.000 tấn một ngày, trong đó 85 - 90% khối lượng này có thể sử dụng làm nguồn cung cấp cho nhà máy xử lý của dự án.
Với việc ứng dụng công nghệ hiện đại của Aikan (Đan Mạch), dự án sẽ hạn chế tối đa lượng rác cần chôn lấp hoàn toàn, giúp kéo dài tuổi thọ của bãi rác Khánh Sơn đến năm 2070, thay vì phải đóng cửa vào năm 2020 như thiết kế ban đầu. Ngoài ra, dự án sẽ biến khu vực này thành địa điểm xây dựng những công trình năng lượng sạch như nhà máy phát điện mặt trời, hay khu du lịch sinh thái sau khi bãi rác ngừng hoạt động.
Mô hình Nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ Aikan (Đan Mạch) - Ảnh: Nguồn Internet.
Bà Sylvie Lam cho hay, công nghệ Aikan (Đan Mạch) được sử dụng trong dự án chỉ tiêu thụ trung bình 10 kWh điện để xử lý một tấn rác hữu cơ. Lượng rác hữu cơ này lại tạo ra khoảng 70-100 m3 khí sinh học (trong đó khí Mêtan chiếm tối thiểu 70%), dùng để sản xuất xấp xỉ 200 kWh điện, 1.400 MJ nhiệt và 350 kg phân compost. Như vậy, năng lượng tạo ra từ công nghệ Aikan không những phục vụ nhu cầu của nhà máy, mà còn có thể nối vào lưới điện quốc gia để cung cấp cho thành phố Đà Nẵng.
Qua kết quả nghiên cứu và đánh giá khả thi, các đại biểu tham gia hội thảo cho rằng, dự án không những góp phần tạo ra một lượng điện năng lớn phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt, mà còn giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính có tác dụng xấu đến biến đổi khí hậu. Mặt khác, dự án sẽ tiết kiệm được năng lượng, hướng tới sử dụng năng lượng sạch trong tương lai... thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với việc xây dựng một nhà máy xử lý rác theo công nghệ châu Âu phù hợp với các điều kiện rác, khí hậu, môi trường tại Việt Nam, Khánh Sơn sẽ trở thành nhà máy xử lý rác hiện đại bậc nhất cả nước.
KEYTECH
Theo Tietkiemnangluong

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Năng lượng thế giới 2012

Các chuyên gia hạt nhân và địa chất cảnh báo trong tương lai, có ít nhất 32 nhà máy ở châu Á đang hoạt động hoặc đang được xây dựng có nguy cơ hứng chịu sóng thần, đặc biệt là 4 nhà máy điện hạt nhân ở phía nam Trung Quốc đại lục và một nhà máy trên đảo Đài Loan (Trung Quốc).
Mất điện lớn nhất trong lịch sử loài người ở Ấn Độ làm hé lộ một bức tranh an ninh năng lượng u ám của nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á

1. Thiên tai đe dọa an ninh năng lượng toàn cầ
u
Trong năm 2012, nước Mỹ phải hứng chịu nhiều cơn bão lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình cung cầu năng lượng trong nước và ảnh hưởng biến động giá dầu trên thị trường thế giới. Tiêu biểu là siêu bão Sandy đã tràn vào bờ biển Mỹ trải dài từ bang West Virginia tới North Carolina và Connecticut hồi cuối tháng 10. Hơn 8,5 triệu gia đình và doanh nghiệp trên 16 tiểu bang nước Mỹ bị mất điện sau khi cơn bão mạnh nhất trong lịch sử 100 năm qua tấn công Hoa Kỳ với mưa to và gió lớn đã giật đứt các đường dây điện, nhấn chìm các mạng lưới điện trong nước lũ và gây nổ một trạm biến áp ở hạ Manhattan, New York. Thiệt hại từ cơn bão cũng làm dấy lên quan ngại về sự lão hóa của cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng trên toàn nước Mỹ. Hiện nay, nhiều tiểu bang vẫn đang ra sức sửa chữa, nâng cấp, cải tạo hệ thống phân phối điện để đáp ứng với các sự cố thiên tai khủng khiếp kiểu này.
2. Mỹ sẽ trở thành nước khai thác dầu lớn nhất thế giới trong tương lai
Trong bản báo cáo đánh giá năng lượng hằng năm, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã dự báo Mỹ sẽ vượt Arập Xêút và Nga vào năm 2017 để trở thành quốc gia khai thác dầu lớn nhất thế giới. Theo báo cáo của IEA, lượng dầu nhập khẩu của Mỹ hiện chiếm khoảng 20% nhu cầu tiêu thụ nội địa, nhưng đến năm 2035, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đạt được mục tiêu hoàn toàn độc lập về năng lượng, bao gồm các nguồn như dầu thô, khí đốt và than. Sở dĩ IEA có đánh giá lạc quan này là vì ở Mỹ trong năm qua chứng kiến sự bùng nổ về các dự án khai thác nguồn dầu đá phiến, một lĩnh vực đòi hỏi công nghệ rất cao. Với đà đẩy mạnh khai thác như hiện nay, đến năm 2015, sản lượng khai thác dầu của Mỹ có thể đạt 10 triệu thùng/ngày, đạt 11,1 triệu thùng/ngày vào năm 2020 và đến năm 2035 sẽ nâng lên mức 12,3 triệu thùng/ngày.
3. Nhật Bản chật vật định hình tương lai năng lượng
Kế hoạch đáp ứng 1/2 nhu cầu sử dụng điện từ các nhà máy phát điện nguyên tử của Nhật Bản đã phá sản kể từ sau trận động đất và sóng thần gây thảm họa hạt nhân Daiichi Fukushima hồi tháng 3-2011 với việc đóng cửa 52 lò phản ứng hạt nhân trên toàn quốc. Do không có nguồn năng lượng nào khả dĩ thay thế điện hạt nhân ngay, Nhật Bản tiếp tục phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu mà có đến 70% số đó được vận chuyển qua eo biển Hormuz đầy rủi ro. Quyết định khởi động lại 2 lò phản ứng hạt nhân tại Ohi mùa hè 2012 gặp phải sự phản đối dữ dội từ người dân và với Chính phủ Nhật, đó cũng là điều “cực chẳng đã”. Việc tái khởi động công trình xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Oma tháng 12-2012 có ý nghĩa lớn về chiến lược và công nghệ điện hạt nhân của Nhật Bản, cho thấy đất nước Mặt trời mọc không thể nào chấm dứt phát điện hạt nhân trong năm 2030 như chiến lược năng lượng mà cựu Thủ tướng Noda đã đề ra.
4. Trung Quốc bức bách trong cơn khát năng lượng
Để đáp ứng nhu cầu năng lượng bức thiết của nền kinh tế đang phát triển nóng, Trung Quốc ngày nay đang khám phá hầu như tất cả các nguồn năng lượng trong nước từ năng lượng hóa thạch đến năng lượng tái tạo và tích cực thâu tóm các tài sản, công ty năng lượng trên thế giới, nhằm đảm bảo nguồn cung cũng như học hỏi, nhập khẩu những công nghệ khai thác năng lượng tiên tiến thế giới có, Trung Quốc thiếu. Than đá vẫn là nguồn cung cấp năng lượng chính của Trung Quốc nhưng quốc gia sử dụng năng lượng nhiều nhất thế giới này đang kỳ vọng vào trữ lượng khí đá phiến được cho là lớn gấp đôi trữ lượng của Hoa Kỳ, đến năm 2020, sẽ chiếm 6% cơ cấu năng lượng. Tuy nhiên, sự phức tạp của địa chất, khó khăn về cơ sở hạ tầng và thiếu nước lại là những trở ngại chính trong việc đạt mục tiêu này. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đau đầu với bài toán giảm thiểu phát thải nhà kính, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
5. Mất điện lịch sử ở Ấn Độ
3 trong 5 hệ thống đường dây của Ấn Độ bị hỏng vào ngày 31-7 đã khiến hơn nửa số dân của đất nước 1,2 tỉ nhân khẩu sống tại 20/29 bang, bao gồm cả thủ đô New Dehli phải chịu cảnh mất điện, sống trong bóng tối và đảo lộn mọi sinh hoạt trong 2 ngày liền. Hệ thống giao thông công cộng tắc nghẽn, đường phố náo loạn. Ít nhất 300 chuyến tàu đã bị hủy. Bệnh viện, các dịch vụ khẩn cấp và hoạt động kinh doanh trên khắp miền Bắc và miền Đông nước này cũng bị ảnh hưởng nặng nề và gần như tê liệt... Sự cố mất điện lớn nhất trong lịch sử loài người xảy ra ở Ấn Độ không chỉ báo động về tình trạng cơ sở vật chất mà còn hé lộ một bức tranh an ninh năng lượng u ám của nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á - từng được hy vọng sẽ là một trong những động lực kéo nền kinh tế thế giới ra khỏi khủng hoảng như năm 2008-2009.
6. Căng thẳng trên những điểm nóng năng lượng
Ngay từ những ngày đầu năm 2012, năng lượng và xung đột đã luôn buộc chặt vào nhau, đem lại tầm quan trọng ngày một gia tăng cho những vùng địa năng lượng trong thế giới tài nguyên then chốt ngày một hạn chế. Bắt đầu với Eo biển Hormuz - tuyến vận tải biển chiến lược trung chuyển khoảng 17 triệu thùng dầu mỗi ngày, tức 20% số cung toàn cầu. Những tuyên bố đe dọa phong tỏa, “không để một giọt dầu đi qua” eo biển chiến lược này của Iran để đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu luôn là đề tài nóng hổi thời sự trên các mặt báo trong năm và khiến thị trường dầu mỏ thế giới chao đảo nhiều phen. Trong khi đó, tại Biển Đông và biển Hoa Đông, căng thẳng tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc - Nhật Bản và Trung Quốc - một số nước ASEAN cũng dấy lên lo ngại bùng phát thành xung đột, mà theo các nhà phân tích, động cơ chính là quyền tiếp cận với trữ lượng khí đốt giàu có ở các khu vực này. Ít nóng hổi hơn nhưng cũng không kém phần thời sự là việc biến đổi khí hậu, các lớp băng tan ra đã khiến cho các nguồn tài nguyên năng lượng ở Bắc Cực trở nên dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn bao giờ hết. Không chỉ có Mỹ, Nga, các nước Liên minh châu Âu gần Bắc Cực lao vào cuộc cạnh tranh giành quyền khai thác ở vùng đất “vàng” này mà “xa xôi” như Trung Quốc cũng “nhòm ngó”.
7. Chia rẽ quan điểm về khí đá phiến
Khai thác và phát triển khí đá phiến tiếp tục là đề tài gây tranh cãi trên toàn thế giới. Một mặt, ở nhiều nước như Mỹ, Ba Lan, Trung Quốc, Algeria… nó được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bức tranh an ninh năng lượng quốc gia. Mặt khác, lo ngại về những rủi ro môi trường và môi liên quan tới động đất do quá trình khoan và bẻ gãy thủy lực gây ra đã khiến cho “fracking” đá phiến ở một số nước bị cấm như Pháp, Bulgaria…

KEYTECH
Theo Petrotimes